
“But Jude, when you’re with your clients, you have to show a little life; they’re paying to be with you, you know—you have to show them you’re enjoying it.”
“Nhưng mà Jude, khi gặp khách hàng hãy cho họ thấy một ít sinh khí, họ trả tiền để được bên cạnh em mà, nên mình phải cho họ thấy là mình cũng đang tận hưởng ”
Cho tới nửa cuốn sách gần 700 trang này mình mới phát hiện ra đoạn hội thoại có từ ” A Little Life” – cũng là tiêu đề cuốn sách. A Little Life đặt trong hoàn cảnh đó, không thể dịch sang tiếng việt thành “Một cuộc đời nhỏ” được. Một ít sinh khí ấy đem ra so sánh với quá nhiều cái ác lại càng khiến người đọc đau xót hơn, dưới ngòi bút điêu luyện của Hanya Yanagihara lại cứ xoáy vào tâm can, như vết thương đã liền da non, lại bị rạch ra, rồi lành lại, rồi lại tiếp tục rạch ra. Đọc đến nửa cuốn sách thì mình đã nghĩ rằng chẳng có gì quá đặc biệt, rồi sẽ lại theo mô típ nhân vật gặp khó khăn trong cuộc sống, nhưng được sự yêu mến và giúp đỡ từ bạn bè, những người xung quanh rồi vượt qua nghịch cảnh đến đạt được một mục tiêu, nhân vật nhìn lại quãng đường đã qua và rút ra được những bài học để “lan toả” tới cộng động, tôi tài giỏi và bạn cũng thế. Nhưng KHÔNG! cách kể chuyện như kiểu làm tình, kích thích rồi lại dừng lại, mơn trớn một chút, buông lơi một chút, cứ lặp đi lặp lại như vậy suốt vừa khiến mình bực mình muốn quăng cuốn sách mấy lần, nhưng lại nghĩ về nó, lượm lên và đọc tiếp để mong mỏi một điều là cực khoái rồi sẽ tới, như là cái bìa sách ấy, vừa làm mình khó chịu vì sự nhăn nhó, nhưng cũng vừa khiến mình liên tưởng tới giây phút trước khi phun trào núi lửa, khi đã vượt qua ngưỡng chịu đựng được nữa rồi.

Đây không phải là một câu chuyện về 04 người bạn đại học, mà là câu chuyện của Jude và 03 người bạn còn lại. Số lượng trang về sự kiện xảy ra với 03 người kia ít hơn hẳn, và hầu như điều có gì đó liên đới tới cuộc đời của Jude. Cả bốn người bạn đều tốt nghiệp tại đại học New England danh giá, cùng nhau bước vào cuộc đời mới tại thành phố New York. Mỗi người đều có nét tính cách đặc trưng nhưng lại chơi rất thân với nhau. Willem Ragnarsson, một chàng điển trai đến từ miền tây, lớn lên từ trang trại chăn nuôi rộng lớn, tuy không phải là người có nhiều tham vọng, dễ hài lòng với những gì đang có nhưng thành công lại tìm tới anh về sau. Willem có một người em bị bại não, và dù chuyển tới New York xa xăm nhưng hễ có dịp anh lại về thăm em, qua ngòi bút miêu tả của Yanagihara, Willem bộc lộ sự lương thiện, thấu cảm với những nỗi đau của người thân yêu, và luôn sẵn sàng ở bên cạnh bạn dẫu đó là những thời khắc đen tối nhất. Mình đã highlight câu này, thật sự tâm đắc khi nói về những người bạn trong cuộc đời!
“the only trick of friendship, I think, is to find people who are better than you are—not smarter, not cooler, but kinder, and more generous, and more forgiving—and then to appreciate them for what they can teach you, and to try to listen to them when they tell you something about yourself, no matter how bad—or good—it might be, and to trust them, which is the hardest thing of all. But the best, as well”
WILLEM LÀ NGƯỜI BẠN LÝ TƯỞNG CỦA MỖI NGƯỜI TRONG CHÚNG TA!
Malcolm Irvine, da màu, lớn lên trong gia đình tri thức và giàu có ở ngoại ô New York, trong 04 đứa, chỉ có mỗi Malcolm là ở chung với ba mẹ, được chăm sóc như một cậu ấm, và được đặt nhiều kì vọng lên vai. Với một người sinh ra ở đích đến như Malcolm thì câu hỏi mình là ai, mình cần gì sẽ khiến anh ta loay hoay tìm kiếm câu trả lời. Vừa muốn thoát khỏi cái bóng quá lớn của ba mẹ, nhưng cũng vừa muốn thụ hưởng những sung túc, ấm êm mà không phải ai cũng có. Malcom xuất hiện trong truyện hầu như mờ nhạt, thiếu chính kiến. Dù học khoa kiến trúc nhưng sau đó anh lại cho làm thiết kế nội thất. Hầu như trước những quyết định lớn trong cuộc đời như phải làm gì, cưới ai, cực kì thương hay ghét ai đó, hay tạo nên những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân… anh đều để mọi thứ trôi tuột khỏi tầm tay.
Jean-Baptiste (JB) Marion, con trai của một gia đình nhập cư từ đất nước Haitian xa lạ, trong 04 đứa J.B có tham vọng trong công việc lớn nhất, là một nghệ sĩ visual art tài năng, da đen, và đồng tính.
There were three types of boys: The first type might cause the fight (this was JB). The second type wouldn’t join in, but wouldn’t run to get help, either (this was Malcolm). And the third type would actually try to help you out (this was the rarest type, and this was obviously Willem)
J.B biết mình giỏi, và thực sự anh là người có thành công, được xã hội công nhận sớm nhất trong hồi bạn 04 người. Nhưng có một điều J.B không hề lường trước, thành công khiến người ta trở nên nhàm chán. Thất bại cũng khiến người ta nhàm chán bản thân nhưng theo một kiểu khác: những người thua cuộc luôn luôn tiếp tục tìm kiếm thành công, nhưng những người đã thành công rồi chỉ tiếp tục duy trì sự thành đạt của họ. Là một người nghệ sĩ thì nguồn cảm hứng không thể đến mãi được, sẽ có lúc cạn kiệt, J.B không chấp nhận cảm giác bị động ấy, anh tìm tới ma tuý đá, rượu bia, thay bồ như thay áo, nhưng kết cục lại lún sâu vào sự tuyệt vọng. Hên cho anh là vẫn còn 03 người bạn thân thiết bên cạnh.
Jude St. Francis, nhân vật chính của cuốn sách, có vẻ do miêu tả quá nhiều về anh mà mình cảm thấy tác giả viết bị quá tay, nhiều chi tiết phi lý. Về sự nghiệp và quá trình học vấn, Jude học luật và ra làm luật sư, anh lại có bằng tiến sĩ toán, chơi piano điêu luyện, trong công việc mọi người phải kính nể sự nhạy bắn và lạnh như tiền khi đưa ra những lập luận trước toà, nhưng trong cuộc sống với bạn bè, anh là đứa ít nói lầm lì, không giỏi việc quảng giao như J.B, và có phần yếu đuối. Anh nấu ăn rất giỏi và có sở thích dọn dẹp nhà cửa, những người bạn đến với anh một phần vì anh giỏi lắng nghe, dễ chia sẻ và cảm thông, một phần nể vì tài năng và trí thông minh, và có lẽ họ thương anh vì nghịch cảnh, anh không có gia đình (bố mẹ, anh chị em), bị tật ở chân, ngoài hình gầy gò ốm yếu. Điều kỳ lạ ở Jude đó là, anh không có gắng mưu cầu sự thiện cảm, tình bằng hữu từ phía người khác, anh chỉ là anh với những góc khuất, và dù có tò mò nhưng bạn bè vẫn hết mực tôn trọng, không muốn tọc mạch vào đời sống cá nhân.
Nửa đầu cuốn sách tác giả xây dựng những bí ẩn xung quanh Jude và khiến người đọc tò mò, đưa ra những giả thuyết. Tại sao Jude lại luôn mặc áo dài tay, luôn tránh nói về tình dục, về gia đình mình, về những vết thương trên người. Nửa sau cuốn sách quả thực khiến mình bị shock dù đã chuẩn bị tâm lý cho những đen tối, lạm dụng, nhưng cái bóng quá khứ phủ lên của đời Jude mãi không thể nào thoát ra nổi. Với Jude, một người vô thần, toán học chính là niềm cứu rỗi, nhưng chính anh cũng vận mình vào khái niệm tập hợp rỗng. (Axiom of empty)
It assumes that if you have a conceptual thing named x it must always be equivalent to itself, that it has a uniqueness about it, that it is in possession of something so irreducible that we must assume it is absolutely, unchangeably equivalent to itself for all time, that its very elementalness can never be altered. But it is impossible to prove. Not everyone liked the axiom of equality … but he had always appreciated how elusive it was, how the beauty of the equation itself would always be frustrated by the attempts to prove it. It was the kind of axiom that could drive you mad, that could consume you, that could easily become an entire life.
Đôi khi văn chương dẫn ta tới những mảnh đời bị vùi dập, len lỏi trong những suy nghĩ và nỗi đau của họ. Dù chẳng thể nào thấu hiểu vì ta còn chưa đủ trải nghiệm, và cho rằng đâu đó là sự phi lý, tô vẽ, nhưng chính tác giả từ đầu đã dự vào một điểm mấu chốt là – có những nỗi thống khổ mãi kéo con người vào hư vô. Những ánh nắng ấm áp từ tình bạn, tình thầy trò, tình yêu vô điều kiện kết cục cũng như một ít sinh khí sẽ chớm lụi tàn trước đại dương đau buồn.
Thật là sai lầm khi đọc một cuốn sách nhiều năng lượng tiêu cực như vậy trong thời gian giãn cách xã hội này.
0