Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về hình tượng con ngựa, và các chữ Kanji liên quan.
Người Trung Quốc cổ lưu lại những kí tự tượng hình đầu tiên trên các khúc xương động vật, hoặc mai, yếm rùa, hiện có khoảng 1200 kí tự được các nhà khảo cổ tìm được. Các loại văn bản ban sơ này gọi là Giáp cốt văn (oracle bone style). Giáp cốt văn mỗi giai đoạn đều có sự khác nhau, giáp cốt văn thời Vũ Đinh được xem như hoàn chỉnh nhất, và cũng có số lượng lớn nhất được phát hiện.
Sau các bản Giáp cốt văn là các bản Kim văn (Bronze style). Theo thống kê, người ta tìm được 3005 chữ kim văn, đã đọc được 1804 chữ, nhiều hơn giáp cốt văn một chút. Kim văn là các bản khắc kí tự lên về mặt kim loại, chủ yếu là đồng thau.
Tuy nhiên mãi cho tới vị hoàng đế đầu tiên Tần Thuỷ Hoàng thì các kí tự xưa được nghiên cứu và đưa vào một khuôn mẫu một cách bài bản nhất. Các văn bản kí tự này được gọi là Triện thư (Seal scrip), Triện thư chia làm hai loại: đại triện và tiểu triện Đại triện (大篆) là thể chữ phát triển từ Kim văn, lưu hành vào thời Tây Chu, không thống nhất và có nhiều dị thể ở các nước khác nhau. Tiểu triện (小篆) hay Tần triện (秦篆) là lối chữ phát triển từ Đại triện.
Ta có thể thấy các kí tự xưa nhấn mạnh vào đôi mắt của con vật, trong khi Triện thư và Kanji hiện tại lại nhấn mạnh vào bờm, và 4 cái chân của Ngựa. 馬 là một bộ thủ trong 214 bộ, các từ Kanji sau này dựa vào đặc tính của ngựa như sự di chuyển nhanh chóng để làm rõ hàm ý của chính nó.

駐 : Trú – ở một nơi.
駐 được ghép bởi hai bộ, phía bên phải 主 là hình ảnh của một cây nến với ngọn lửa ở giữa. (主 từ 主人 /shu’jin/ “chủ nhân, người chủ”. Khi kết hợp với từ 馬, Kanji 駐 có nghĩa là “ở một nơi”. Ngày xưa người ta di chuyển chủ yếu bằng ngựa, còn bây giờ là xe hơi. Từ kanji này cũng là liên từ khi kết hợp thành động từ 駐車する /chuusha-suru/: đỗ xe, hoặc 駐車場 /chuushajoo/: bãi đỗ xe. 駐 còn được dùng trong từ chỉ một người ở tạm chỗ nào đó, 駐在員 /chuuza’iin/: người cư trú.

験 (phồn thể 驗): Nghiệm – kiểm tra, kiểm nghiệm

Với từ Kanji 験, theo như bản Triện thư đính kèm, bộ thủ bên phải 馬 là hình ảnh của nhiều người ngồi dưới một mái nhà, cùng nhau kiểm tra đánh giá những con ngựa.
験 cũng có trong từ 試験 /shike’n/ : kiểm tra, hay 実験 /jikken/ ”thực nghiệm”, và 経験 /keeken/ ” trải nghiệm.”
驚: Kinh – ngạc nhiên, kinh hãi
Từ Kanji này được ghép bởi từ Kính (敬) phía trên và Mã ở phía dưới. 敬 có nghĩa là Tôn trọng, kính trọng nhưng cũng có nghĩa là một hành động quất, đánh (mình sẽ làm GIF giải thích nguồn gốc từ này ở một post khác). Con ngựa thì rất hay dễ bị hoảng sợ, giựt mình bởi tác động đột ngột bên ngoài. Chính tính cách đặc trưng này của nó mà từ 驚く /odoro’ku/ có nghĩa là ngạc nhiên.

Ngoài ra còn có rất nhiều từ Kanji có bộ thủ là Mã, tựu trung lại đều có một phần tính cách của con vật này, như chạy nhanh, dễ giật mình….
0