Hôm bữa đọc lại cuốn Biên niên ký chim vặn dây cót của Haruki thì mình bỗng thấy hứng thú với một đoạn miêu tả nhân vật chính (Toru) chui xuống một cái giếng bỏ hoang. Ngồi ở đấy giếng tối om, nền đá ẩm mốc và lạnh lẽo và nhìn những vệt sáng le lói phía trên. Khi Toru hồi tưởng lại những kí ức như đã rơi tõm vào hố đen của tiềm thức, ở đó dưới dạng nguyên khai, thì ngoại cảnh cũng chính là một nơi sâu dưới lòng đất, hoang tàn, bóng tối che đi thân thể, bản dạng.
Ánh sáng đôi khi hiện diện chỉ để nhấn mạnh bóng đêm xung quanh. Có một buổi chiều nhiều năm về trước, mình ngồi một mình ở quán Era, đường Trần Quốc Thảo. Không gian bên trong rất tối, quán không có ổ cắm điện, và khách thì không được phép dùng thiết bị điện tử. Ngồi đó và nhìn ra khung cửa kính như một thực tại khác đang hối hả di chuyển. Lúc đó cuộc đời mình giống như bài thơ của Lưu Quang Vũ ” Ta làm gì cho hết buổi chiều nay?”, không một ai để chờ đợi, không một mục đích tồn tại rõ ràng, không có thứ gì quý giá để đánh mất, không một ẩn ức, mặc cảm, sang chấn tâm lý, cũng chẳng có bến bờ nào mong ước đặt chân đến. Ngồi trên chiếc sofa sờn tróc da ngửi mùi tàn dư của khói thuốc, của những cuốn sách cũ kĩ, vô giá trị dùng để trang trí và nghe giọng Damien Rice thổn thức. Sự vắng lặng của suy nghĩ và suy nghĩa khiến cả cơ thể bức rức, như muốn nổ tung nếu vẫn cứ tiếp tục ngồi yên ở đó – một người trẻ mới hớn hở vào đời không thể ngồi mãi ở đó được.
Cũng là một cái giếng nhưng là GIẾNG TRỜI lấy sáng ở cà phê Red Door quận 3, ở giữa là một cây sứ cành lá uống vẹo vươn lên khỏi nóc nhà đón sáng. Ngồi ở đấy nếu như hư tâm sẽ nhận thấy ánh sáng thay đổi liên tục, đặc biệt là vào sáng sớm hoặc chiều tà khi dãy nhà chung cư đối diện đón ánh nắng mặt trời và hắt lại, những vệt sáng thứ cấp từ đá hoa cương ốp xù xì ấy không hề khiến mình chói mắt mà ngược lại như một nguồn năng lượng dồi dào đánh thức sự hiện hữu tại phút giấy ấy. Những ngày cuối tuần mình hay chạy xe theo hướng đường Hoàng Sa dọc bờ kênh qua Lê Văn Sỹ, và mình hay đến rất sớm cả khi quán chưa phục vụ nước, chỉ để ngồi đó đợi chờ tia nắng mặt trời vượt qua nóc nhà chung cư đối diện chiếu xếch vào những cây cối, bờ tường, mặt bàn gỗ bên này, bây nhiêu thôi cũng đủ gột rửa tinh thần. Thế nhưng khi bắt đầu đọc một cuốn sách mang theo mình sẽ rơi vào trạng thái khó xử ONISM – không thể vừa nhìn ngắm sự việc xung quanh, hít thở thật sâu mà lại vừa đắm chìm vào thế giới trong trang sách. Đó là sự hữu hạn của trong khi cùng một lúc chỉ có thể sống một khoảnh khắc, mắc kẹt trong một cơ thể, ở một không thời gian địa lý duy nhất mà thôi.
cây ngô đồng trước quán Cold Brew nức tiếng của quán cây sứ mùa trổ lá Banana Yoshimoto ở Red Door
Nhưng nếu có anh La Thăng ở đó thì sẽ hơi khác một chút, quán có để một cây piano và guitar vậy nên nói chuyện tỉ tê xong thì hai anh em hay ngồi đàn hát với nhau. Gần đây mỗi lần tập một bản nhạc mới mình cứ nghĩ trong đầu sẽ được chơi piano ở Red Door trong một buổi chiều tinh tươm, và bên cạnh là những người bạn. Ước chi dịch mau qua để mình cùng đi uống cà phê!
8