Loading...

The paper menagerie – Bầy thú giấy.

 Một trong những kí ức đầu đời của tôi về một lần khóc dối và dù ba mẹ có dỗ dành mãi cũng không nín được. Cuối cùng ba cũng chịu thua và đi ra khỏi phòng ngủ, còn mẹ dắt tôi vô bếp để tôi ngồi vào bàn ăn sáng. “Kan, Kan” (nhìn, nhìn) mẹ nói khi bà lấy một tờ giấy gói từ đầu tủ lạnh. Nhiều năm này mẹ vẫn hay cẩn thận cất giữ ngay ngắn những tờ giấy gói quà sinh nhật thành một sấp dày cộm. Mẹ đặt tờ giấy xuống bàn, vuốt cho thẳng thớm và bắt đầu gấp, còn tôi thì nín khóc và nhìn bà một cách tò mò. Mẹ lật tờ giấy và tiếp tục gấp, rồi bà vuốt, miết đường gấp, gập vạt trái rồi lặp lại với mặt sau cho đến khi tờ giấy bỗng chốc biến mất trong lòng bàn tay, rồi bà đưa lên miệng thổi vào tờ giấy. “Kan” mẹ reo lên “Laohu”, rồi bà đặt thành phẩm xuống bàn và đi đâu mất. Đó là một con hồ giấy tí hon cỡ bằng nấm tay của tôi. Da con hổ là những hình thù trang trí của tờ giấy gói quà với nền trắng, những cây kẹo màu đỏ, và cây thông Noel màu xanh. 

 Tôi cầm con hổ giấy lên mân mê, cái đuôi của nó ngoe nguẩy và có vẻ như đang vồ chụp nghịch ngợm. “Rawrr-sa” nó bắt đầu gầm gừ, âm thanh vừa giống như của một chú mèo, hay là một tờ báo bị gấp sột soạt. Tôi phá lên cười ngạc nhiên thích thú và chọc vào cái lưng nó bằng ngón trỏ. 

 “Zhe jiao zhezhi” mẹ nói, cái này gọi là Origami. 

 Tôi không biết vào lúc đó nhưng mẹ trông thật là ngầu. Bà thổi hơi thở vào tờ giấy và khiến nó sống động lên. Đó là phép thuật của mẹ. 

Ba chọn mẹ từ tờ catalogue. 

 Một lần hồi còn học cấp ba, tôi đã hỏi ông chi tiết về chuyện này. Lúc đó ông cố giúp tôi nói chuyện lại với mẹ. Ông đã đăng ký dịch vụ giới thiệu hôn nhân vào mùa xuân năm 1973. Lật từng trang của tờ catalogue một cách nhanh chóng rồi bỗng ông dừng lại khi thấy ảnh của Mẹ. 

 Tôi chưa bao giờ thấy bức ảnh đó. Ông tả lại rằng mẹ ngồi trên ghế nhìn thẳng vào camera, bà mặc bộ sườn xám màu xanh lá cây, tóc mẹ đen nhánh và buông xoã quá vai. Trông mẹ như một cô gái với ánh mắt điềm tĩnh đang nhìn lại ông. 

 “ Đó là trang cuối cùng của tờ catalogue” – ông nói. 

Theo như tờ danh mục viết, mẹ vừa tròn 18 tuổi, thích nhảy đầm, vào nói tiếng anh lưu loát bởi vì mẹ đến từ Hong Kông. Rốt cục tất cả chỉ là lời miêu tả không phải sự thật. Ông viết thư cho mẹ và công ty dịch vụ chuyển thư qua lại giữa hai người, cuối cùng ông bay qua Hong Kông và gặp mẹ. 

 “Mấy người trong công ty dịch vụ viết thư hồi đáp, bà ấy chẳng biết nói tiếng Anh gì ngoài Hello với Goodbye”- ông nói. 

 Kiểu phụ nữ như thế nào mà lại để mình quảng cáo cưới chồng qua Catalog nhỉ? Hồi học cấp ba tôi- tưởng như biết mọi thứ, vẫn hay nghĩ khinh thường như thế.

  Nhưng thay vì nhảy bổ vô văn phòng công ty mai mối đòi lại tiền thì ba nhờ một cô hầu bàn nhà hàng ở khách sạn làm thông dịch viên. 

 “mẹ mày nhìn tao vừa sợ hãi vừa xen lẫn hy vọng. Và khi nghe cô hầu bàn dịch lại, mẹ mày bắt đầu mỉm cười” 

 Ông bay về Connecticut và bắt đầu đăng ký giấy tờ hợp pháp cho mẹ nhập cảnh. Năm sau, tôi được sinh ra đời, đó là năm Bính Thìn.

#

Theo lời vòi vĩnh của tôi, mẹ cũng gấp nào là dê, hưu, trâu nước,… từ những tờ giấy gói quà. Bầy thú chạy vòng vòng trong phòng khách khi con Laohu đuổi theo chúng và gầm gừ. Giả mà con hổ bắt được còn nào, nó sẽ vật đè xuống đất cho tới khi bị xì hết khí ra và mềm xèo chỉ còn là tờ giấy với những nếp gấp. Rồi tôi sẽ phải thổi phồng chúng lên lại để cho chúng tiếp tục chạy vòng vòng. Đôi khi bầy thú cũng gặp rắc rối. Có lần con trâu nước bay vào chén nước tương trên bàn ăn (nó muốn được đầm mình, như một con trâu nước thật sự). Tôi vớt nó ra nhanh chóng nhưng nước tương đã thấm ướt đen thui mấy cái chân của con trâu. Những cái chân mềm nhũn khiến nó không thể đứng vững và ngã khuỵ xuống bàn. Tôi đem đi phơi nắng nhưng những cái chân trở nên cong queo, con trâu nước vẫn chạy nhưng khập khiễng. Cuối cùng mẹ bắn nhựa dẻo vào mấy cái chân, nó đã có thể tắm nước sau đó (tất nhiên không phải nước tương). 

 Con Laohu cũng thích vồ chụp mấy con chim sẻ ngoài vườn sau. Có lần bị dồn vào chân tường, con chim hoảng loạn và mổ rách tai con Laohu. Trông nó thật tội nghiệp và mẹ đã dán lại bằng băng keo, sau đó nó không bao giờ chơi với mấy con chim nữa. 

 Ngày nọ tôi coi phim trên tivi và thấy những con cá mập và hỏi mẹ có thể làm cho tôi một con. Mẹ gấp giấy thành cá mập nhưng nhìn nó ngoe nguẩy trên bàn không hợp tôi liền bỏ nó vào hồ cá. Nhìn nó bơi tung tăng rất thích cho tới khi nước thấm vào mềm oặt rồi từ từ chìm xuống đáy hồ, nếp gấp cũng bị dãn ra. Tôi vớt nó lên nhưng chỉ còn lại là tờ giấy ướt. 

 Laohu chồm lên cào vào thành hồ và ghì đầu nó vào mép kính, hai tai thõng xuống, nó gầm gừ trong cuốn họng và khiến tôi cảm thấy tội lỗi. 

 Mẹ làm một con cá mập mới cho tôi nhưng lần này là bằng giấy bạc. Nó bơi tung tăng trong hồ cá, Laohu và tôi hay ngồi nhìn nó rượt đuổi những con cá vàng. Nhìn qua mép kính hồ bơi cong cong tôi thấy con Laohu bị phóng to lên bằng ly cà phê, và có vẻ nó cũng đang nhìn lại tôi. 

#

  Khi tôi lên mười, gia đình chuyển nhà vào thị trấn. Mấy bà hàng xóm qua hỏi thăm, ba mời họ uống trà và nó họ cảm phiền vì phải đi đến công ty điện nước đóng tiền vì người chủ cũ chưa trả. “Cứ tự nhiên như ở nhà, vợ tui không biết nói tiếng Anh nên đừng có nghĩ là bả bất lịch sự khi không thấy nói gì”. Khi tôi vào nhà bếp, mẹ đang tháo gỡ mấy thùng hàng. Mấy bà hàng xóm thì tụ tập trong phòng khách, không khí có vẻ im lặng.

 “Anh ta có vẻ là người bình thường, tại sao ảnh lại làm vậy nhỉ?” 

“Thằng bé nhìn nhìn nửa vời sao á, mắt xếch mà da trắng, dị dị” 

“Bà có nghĩ là nó nói tiếng anh được không?”  

Bà hàng xóm khẽ suỵt miệng rồi ghé vào nhà bếp. 

“Chào nhóc, con tên gì?” 

“Jack”, tôi nói. 

“Nghe chẳng giống Tung của gì hết” 

Mẹ cũng đi vào nhà bếp lúc đó, bà cười chào, mấy bà hàng xóm thì đứng xung quanh cười lại và làm thinh mãi tới khi ba quay về. 

#

 Hàng xóm có thằng nhóc tên Mark, nó hay chạy qua khoe bộ hình nhân Star Wars. Cây kiếm laser của Obi-Wan Kenobi phát sáng và đu đưa qua lại, giọng phát ra nho nhỏ “Use the Force!”. Nhìn chẳng giống với Obi-Wan thiệt chút nào. Tồi nhìn con hình nhân lặp lại tầm 5 lần câu nói và nói “nó còn làm gì nữa nữa không?” 

 Mark có vẻ khó chịu bởi câu hỏi “nhìn kĩ các chi tiết đi”, nó nói. Tôi nhìn món hình nhân và không biết nói gì nữa. Mark thất vọng quay qua bảo “cho tao xem đồ chơi của mày đi” 

 Tôi chẳng có gì ngoài bầy thú giấy. Tôi chạy vào phòng ngủ và lấy con Laohu, lúc đó nhìn nó cũng đã mòn rách, chân thọt, được mẹ dán băng keo trong và bột hồ nhiều chỗ. Tôi đặt nó lên bàn cà phê và nghe thấy tiếng những kêu của những con thú khác ngoài tiền sảnh như cũng muốn chạy vào. 

 “Xiao Laohu” tôi nói và dừng lại, chuyển qua tiếng anh “Đây là con hổ”. Laohu động đậy, rên ậm ừ, và ngửi tay thằng Mark. Sau một hồi kiểm tra hoa văn trên tờ giấy gói quà giáng sinh trên da con Laohu, Mark bảo “nhìn chẳng giống con hổ xíu nào, mẹ mày làm đồ chơi từ thùng rác à?” 

 Tôi chưa bao giờ nghĩ Laohu là rác cả. Nhưng vào lúc đó, tự nhiên nhìn nó chẳng khác gì một tờ giấy gói. Mark nhấn vô đầu con hình nhân Obi Wan và cây kiếm laser phát sáng, tay vung lên xuống và phát tiếng “Use the Force!” 

   Laohu quay đầu và gầm lên, hất đổ hình nhân Obi trên bàn xuống đất vỡ tan tành thành từng mảnh, đầu Obi lăn long lóc vào ghế sofa. “Rawwwww,” Laohu phá lên cười và tôi cũng vậy. 

 Mark đánh tôi một cái thiệt mạnh “mày có biết là nó đắt lắm không hả, không có bán trong tiệm đâu. Tiền mua nó còn hơn ba mày cho mẹ mày đó!” 

 Tôi té xuống đất, con Laohu gầm lên và nhảy bổ vào mặt thằng Mark. Mark thét lên, giựt mạnh con Laohu xé làm đôi rồi ném vào tôi, nó nói “ vứt mẹ cái thứ rác rưởi, ngu xuẩn Tàu khựa này đi”.

 Sau khi thắng Mark bỏ đi, tôi ngồi hàng giờ dán keo, vuốt cho thẳng thớn, và gấp lại con Laohu theo nếp. Những con thú khác từ từ tiến vào phòng khách vây quanh tôi và tờ giấy rách nát từng là Laohu. 

#

Trận đòn giữa tôi và Mark không dừng ở đây. Mark rất nổi tiếng trong trường, và chẳng muốn nghĩ tới những việc xảy ra hai tuần sau đó. Tôi đi học về hôm thứ Sáu, sau hai tuần, mẹ nhìn tôi và hỏi “Xuexiao hao ma?”, tôi không buồn trả lời và đi thẳng vô phòng ngủ. Nhìn mình trong gương, tôi nghĩ mình chẳng có chút gì giống bà ấy. 

 Lúc ăn tối, tôi hỏi ba “ mặt con nhìn có giống tụi khựa?” 

 Ba đặt đũa xuống, tôi chưa hề nói với ba những chuyển xảy ra trên trường nhưng ba có vẻ biết được. Ông nhắm mắt lại, khịt mũi vào bảo “không phải vậy” 

 Mẹ nhìn ba không hiểu đang nói gì, quay qua tôi và hỏi “Sha jiao chink? 

 “tiếng anh”, tôi la lên “nói tiếng anh đi” 

 Bà cố nói “ What happen?” 

Tôi liên buông đũa, nhìn chén cơm thịt bò chiên tỏi ớt và nói “mình nên ăn đồ Mỹ”. 

Ba có nói lý lẽ “mấy nhà khác vẫn thỉnh thoảng nấu đồ Trung Quốc mà”. 

“nhà mình không giống họ”, tôi nhìn ông. Mấy nhà đó không có mẹ người trung quốc. 

Ông ngó lơ tôi và đặt tay lên vai mẹ và nói “để tui mua sách nấu ăn cho bà”. 

Mẹ quay sang tôi nói “Bu haochi?” 

“Tiếng anh,” tôi lên giọng “nói tiếng anh đi”. 

Mẹ đưa tay rờ trán tôi kiểm tra thân nhiệt “Fashao la?” 

 Tôi hất tay bà ra “Con khoẻ, hãy nói tiếng anh đi!” và la lên. 

 “Nói tiếng anh với nó đi”, ba nói với mẹ. “Bà biết là chuyện này rồi cũng sẽ đến, còn đợi gì nữa?” 

Mẹ rút tay lại, nhìn ba và tôi, bà cố nói gì đó ròi dừng lại, rồi lại cố nữa, nhưng im bặt. 

 “Tao dễ dãi với mày lắm rồi nha Jack!” 

Mẹ nhìn ba và nói “Nếu em nói love, em chỉ cảm thấy ở đây”, mẹ chỉ vào miệng mình. “Nếu em nói Ái, em cảm thấy ở đây”, mẹ đặt tay lên tim mình. 

  Ba lắc đầu và bảo “mình đang ở Mỹ mà”. 

Mẹ ngồi phịch xuống ghế, ngắm nhìn con trâu nước giấy đã xẹp lép do bị Laohu xé. 

 “và con muốn đồ chơi thiệt!” 

 Ba mua cho tôi một bộ đầy đủ các nhân vật Star War, và tôi đền lại Obi-wan Kenobi cho Mark. Những con thú giấy được cất trong một cái hộp to đặt dưới gầm giường. Sáng hôm sau, chúng tẩu thoát sang góc phòng của mẹ, tôi tịch thu tất cả và bỏ lại vào hộp giày rồi đậy nắp lại. Nhưng tôi vẫn nghe tiếng kêu rú của chúng nên cuối cùng tất cả bị đưa lên trên gác mái, nằm đó trong góc tối thui. 

 Giả mẹ có nói chuyện với tôi bằng tiếng Trung, tôi từ chối trả lời. Sau một thời gian mẹ cố sử dụng tiếng anh, nhưng cách phát âm và dùng câu cụt lủn của bà khiến tôi xấu hổ. Dù đã cố sửa lỗi cho mẹ nhưng cuối cùng bà ngưng nói chuyện nếu thấy tôi gần đó.  

  Dần dà bà dùng điệu bộ để giao tiếp, thấy tôi đi học về bà cũng bắt chước trên Tivi các bà mẹ hay ôm con. Nhưng có vẻ bà làm hơi quá lên trở nên lố bịch và vô duyên, thấy tôi vùng vằng bà cũng dừng hẳn việc này. 

 “Con đừng có đối xử với mẹ kiểu vậy!” Ba nói, nhưng ông không nhìn vào mắt tôi. Từ tận đấy lòng ông nhận ra một sự sai lầm khi cố lấy một cô nông dân Trung Quốc làm vợ và mong đợi bà hoà nhập vào lối sống ngoại ô vùng Connecticut. 

 Bà học cách nấu ăn kiểu Mỹ, còn tôi thì chơi video games và học tiếng Pháp. 

  Thi thoảng tôi thấy mẹ trong nhà bếp chăm chú gấp những tờ giấy gói quà, và trên kệ đầu giường lại xuất hiện những con thú mới. Tôi gom hết, bóp cho xẹp lại rồi quăng lên gác mái nằm đó trong hộp giày với những con khác. 

  Cuối cùng bà cũng dừng việc gấp thú giấy lại khi tôi vào cấp ba. Lúc đó tiếng Anh của bà đã khá hơn nhưng tôi đã vào cái tuổi không còn hứng thú với việc nói chuyện với bà, dù bằng ngôn ngữ gì đi nữa.  

  Đôi khi đi học về tôi thấy dáng bà nhỏ xíu đang lom khom trong bếp, và bà hát bài gì bằng tiếng Trung, thật khó có thể tin được bà là mẹ của tôi lúc đó. Chúng tôi chẳng có điểm chung gì, bà giống như trên trời rơi xuống. Tôi lật đật chạy lên phòng và tiếp tục theo đuổi những hạnh phúc kiểu Mỹ.

#

 Ba và tôi đứng cạnh giường mẹ nằm trong bệnh viện, mẹ còn chưa tới bốn mươi tuổi nhưng trông già hơn nhiều. Nhiều năm qua bà tránh đi gặp bác sĩ và nén cơn đau coi như không có gì quan trọng. Ngày nọ xe cứu thương tới đưa bà đi trên băng ca, khối ung thư đã di căn khắp người, phẫu thuật bây giờ cũng không còn ý nghĩa gì nữa. 

  Tâm trí tôi không ở căn phòng đó. Đang là giữa mùa tuyển dụng và tôi thì phải tập trung viết hồ sơ xin việc, lên kế hoạch phỏng vấn, phải học cách nói xạo hiệu quả nhất sao cho bên nhân sự công ty chấm tôi. Dẫu biết rất rõ là không nên nghĩ về những bận rộn này trong lúc mẹ đang nằm đó lay lắt, nhưng nó không thay đổi cảm xúc hiện tại. 

  Mẹ vẫn còn tỉnh táo, ba nắm tay trái của bà bằng hai tay ông và cúi xuống hôn lên trán. Vẻ mệt mỏi của ông khiến tôi ngạc nhiên, và chợt nhận ra mình biết quá ít về ông như những gì về mẹ.  

  Mẹ nhìn ông và nói “em khoẻ mà”. 

 Rồi bà quay sang nhìn tôi và cười “mẹ biết con còn phải quay lại trường học”, giọng bà thì thào và rất khó nghe giữa những tiếng máy bíp bíp xung quanh. “Hãy đi đi, đừng lo lắng cho mẹ, chỉ cần học giỏi là được rồi con”. Tôi chạm tay mẹ, bởi vì đó cũng chính là những gì tôi suy nghĩ, và cảm thấy nhẹ nhõm, còn phải đặt vé máy bay và bãi biển cát trắng California đang chờ mình. 

 Mẹ nói gì đó thì thầm với bà rồi ông gật đầu đi ra khỏi phòng. 

“Jack, nếu…” không nói hết câu thì bà ho “nếu mẹ không vượt qua khỏi thì con cũng đừng buồn, để ảnh hưởng tới sức khoẻ nhé, hãy tập trung vào chuyện học hành. Rồi mai mốt tới ngày giỗ chỉ mong con giữ cái hộp trên gác mái và mở ra nghĩ về mẹ. Mẹ sẽ mãi luôn bên con” 

  Giỗ (Qingming) là ngày tưởng nhớ người đã khuất, một tục lệ của người Trung Quốc. Ngày còn bé, mẹ hay viết thư vào ngày giỗ cho ông bà ngoại đã quá cố, mẹ kể về những chuyện tốt lành đã xảy ra năm ngoái với bà ở Mỹ. Rồi mẹ đọc to lên cho tôi nghe cùng, nếu tôi có ý kiến gì, bà cũng viết vào thư luôn. Sau đó bà gấp tờ thư thành con hạc giấy rồi thả về hướng tây, ngắm nhìn đôi cánh thô cứng của con hạc rồi chúng tôi nghĩ về hành trình dài đi qua đại dương, hướng về Trung Quốc, hướng về ngôi mộ của ông bà. 

 Đã nhiều năm trôi qua kể từ lần cuối tôi làm chuyện ấy với mẹ. 

 “Nhưng con không biết lịch âm” tôi nói “Thôi mẹ nghỉ ngơi nhé”. 

“Chỉ cần giữ cái hộp bên con và thỉnh thoảng mở ra, chỉ cần mở-“ bà bắt đầu ho khi chưa nói hết câu. 

 “Được rồi mà mẹ”, tôi chạm vai bà một cách ngượng ngùng. 

 “Haizi, mama ai ni-“ bà tiếp tục một tràng ho. Một hình ảnh chợt lướt qua đầu tôi về kí ức khi mẹ nói Ái và đặt tay bà lên tim. 

  “Được rồi mẹ đừng nói nữa”. 

 Ba quay trở lại phòng, và tôi nói cần phải ra phi trường sớm vì không muốn bị nhỡ chuyến bay. Mẹ qua đời khi máy bay đang ở đâu đó trên bầu trời bang Nevada. 

 Ba tiều tuỵ đi thấy rõ sau ngày mẹ mất. Căn nhà trở nên quá rộng rãi cho một người sống và ông phải bán. Tôi và người bạn gái Susan cũng qua giúp ông dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc. Susan tìm thấy hộp giày cũ trên gác mái, cái hộp chứa bầy thú giấy nằm khuất sâu bên trong góc tối đã rất lâu. Những con vật đã bị sờn tróc, các hình thủ trên tờ giấy gói quà cũng đã bị nhạt màu. 

 “Em chưa bao giờ thấy kiểu origami như thế này bao giờ!” Susan nói “Mẹ anh quả là một nghệ sĩ tuyệt vời!” 

  Những con thú giấy không di chuyển, có lẽ những phép màu khiến chúng động đậy cũng đã mất theo cùng mẹ rồi. Hoặc cũng có thể tất cả chỉ là tưởng tượng không đáng tin cậy của một đứa nhóc mà thôi. 

Đó là tuần đầu tiên của tháng Tư, hai năm sau ngày mẹ mất. Susan không có ở thị trấn, đang trên những chuyến công du dài vô tận với tư cách là một người tư vấn quản trị, còn tôi thì ở nhà, nằm lười và coi Tivi. Tôi dừng lại ở một kênh phim tài liệu về cá mập, đột nhiên trong đầu xuất hiện đôi bàn tay của mẹ khi bà đang gấp tờ giấy bạc để làm con cá mập, trong khi tôi và Laohu quan sát chăm chú. Lật đật ngồi dậy và ngó thấy cuốn giấy gói quà và băng keo trong nằm trên sàn gần kệ sách, tôi đi tới và bỏ tất cả vào thung rác thì từ trong đống giấy gói lộn xộn bỗng rơi ra con Laohu. Đã rất lâu rồi không nghĩ về nó “Rawrr-sa” mẹ đã sửa lại con thú giấy sau nhiều lần tôi bỏ cuộc. Con hổ nhỏ hơn trong tưởng tượng của tôi, hay có lẽ nằm trong lòng bàn tay nó trông nhỏ hơn hồi ấy. 

 Susan trang trí những con thú giấy khắp nơi trong căn hộ của chúng tôi. Có thể là do con Laohu bị sờn tróc cũ kĩ nên bị đưa vào trong góc sâu. Tôi ngồi xuống nền nhà đưa tay chạm vào cái đuôi đang ngọ nguậy của con Laohu, nó như đang cào móng vuốt một cách nghịch ngợm. Tôi phá lên cười, chọc vào lưng nó, cảm giác như con Laohu đang kêu gầm gừ dưới tay tôi. 

 “Dạo này mày khoẻ không, người bạn cũ?” 

 Laohu dừng chơi giỡn, nó nhảy chồm lên uyển chuyển ngồi vào đùi tôi và bắt đầu hé lộ bản chất. Nó được làm lại bằng một tờ giấy ghi chằn chịt các kí tự trung quốc. Tôi chưa bao giờ học cách đọc tiếng hán, nhưng có biết kí tự như “Con trai”, và kí tự này nằm ở đầu dòng, được Mẹ viết nguệch ngoạc như nét chữ con nít, có lẽ là dành cho tôi. 

 Tôi chạy tới máy tính và kiểm tra trên mạng, hôm nay là ngày Giỗ của mẹ. 

#

Cầm tờ giấy đi xuống phố, tôi tìm tới trạm dừng chân của mấy tour du lịch cho khách Trung Quốc. Gặp khách nào tôi cũng hỏi “Nin hui du zhongwen ma?” “Can you read Chinese?” Vì đã lâu rồi không nói tiếng Trung nên cũng không rõ mình nói có đúng không. 

  Một cô gái trẻ đồng ý giúp. Chúng tôi ngồi trên ghế công viên và cô ấy đọc to tờ giấy. Thứ ngôn ngữ mà tôi cô gắng để quên sau nhường ấy năm bỗng chốc quay trở lại, và tôi cảm thấy như nuốt từng chữ một, ngấm qua da thịt, vào tận xương tuỷ, cho đến khi làm quặng chặt trái tim mình. 

 Con yêu, 

Mẹ con mình đã không nói chuyện một quãng dài. Con đã rất giận dỗi khi mẹ định chạm vào người. Và mẹ đã cảm thấy những đau khổ mà mẹ đang trải qua thực sự rất nghiệm trọng. Nên là mẹ đã quyết định viết thư cho con, mẹ sẽ viết trong con thú giấy mà con đã từng mân mê. 

 Những con vật sẽ dừng chuyển động khi mẹ ngừng thở. Nhưng nếu mẹ viết cho con bằng cả trái tim, mẹ sẽ để lại một ít gì đó là mình trên tờ giấy này, trên những dòng chữ này. Và nếu mà con nghĩ tới mẹ vào ngày Giỗ, khi linh hồn của người đã khuất được phép viếng thăm gia đình, thì một phần của mẹ cũng được sống lại. Những tạo vật mẹ làm cho con sẽ lại được chạy nhảy, vui đùa và có thể con sẽ đọc được những dòng này. Vì mẹ muốn viết bằng cả trái tim, nên mẽ phải viết bằng tiếng Trung Quốc. Bao lâu này mẹ vẫn chưa hề nói cho con nghe về cuộc đời mình. Khi con còn nhỏ, mẹ đã luôn nghĩ rằng sẽ kể cho con nghe khi con lớn khôn. Nhưng rồi cũng chẳng có dịp nào cả. 

 Mẹ sinh vào năm 1957 ở làng Sungulu, tỉnh Hebei. Ông bà ngoại là những người nông dân nghèo khổ và không có nhiều bà con họ hàng.  Sau khi sinh mẹ vài năm, nạn đói hoành hành khắp Trung quốc khiến hơn 30 triệu người chết. Mẹ nhớ có hôm thức dậy và thấy bà ngoại đang ăn đất cho đầy bụng và chừa lại miếng bánh nhỏ còn lại cho mẹ. 

  Khi mọi thứ trở nên ổn định hơn, Làng Sigulu nổi tiếng về nghề thủ công xếp giấy. Bà ngoại dạy mẹ cách làm những con thú giấy và ban cho chúng sự sống. Người ta làm những con chim giấy để đuổi châu chấu, và những con hổ giấy để đuổi chuột. Vào tết Âm lịch, mẹ và bạn bè làm những con rồng giấy màu đỏ. Mẹ không bao giờ quên cảnh tượng tất cả những con rồng nhỏ ấy bay vọt lên trên không trung, mang theo những dây pháo nổ để xua đi những không hay trong năm cũ. Con ắt hẳn sẽ rất thích.

Sau đó thì Cách mạng Văn hóa ập đến vào năm 1966. Hàng xóm phản nhau, anh em trở mặt. Có người kể rằng em trai của bà ngoại, tức là cậu của mẹ, đã chạy đến Hong Kong vào năm 1946, và trở thành thương gia ở đó. Có người thân ở Hong Kong có nghĩa là gia đình mẹ là gián điệp và kẻ thù của nhân dân, rồi gia đình mẹ phải chống chọi lại những búa rìu đó. Bà ngoại nghèo khổ của con không thể chịu được những sỉ nhục rồi qua đời. Sau đó, một vài gã với súng ống kéo ông ngoại con vào rừng, ông không bao giờ trở lại.

Mẹ, một đứa trẻ 10 tuổi, mồ côi từ đó. Người thân thích duy nhất mẹ còn lại trên đời này là cậu của mẹ ở Hong Kong. Một đêm, mẹ lén leo vào trốn trong toa tàu lửa chở hàng hóa đi về phương Nam.

Đến tỉnh Quảng Đông vài ngày sau, mẹ bị vài gã bắt được vì ăn trộm đồ ăn trong một trang trại. Khi nghe nói mẹ tìm cách đến Hong Kong, họ cười. “Hôm nay là ngày may mắn của cô bé. Chuyến hàng của chúng tôi mang phụ nữ đến Hong Kong.”

Họ giấu mẹ trong thùng xe tải cùng với những cô gái khác, và chuyển lậu qua biên giới.

Họ đưa mẹ cùng các cô gái xuống tầng hầm và bắt đứng đó, trông thật khỏe mạnh và thông minh để người ta ưng mua. Những gia đình trả tiền, chọn lựa một trong số những cô gái để “nhận nuôi”.

Gia đình Chin chọn mẹ để chăm sóc cho hai đứa con trai. Mẹ thức dậy vào lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị bữa sáng. Mẹ đút cơm và tắm rửa cho bọn trẻ. Mẹ đi chợ, giặt giũ và quét dọn nhà cửa. Buổi đêm mẹ bị khóa trong phòng dưới bếp để ngủ. Nếu mẹ làm chậm hay làm sai điều gì, mẹ bị đánh. Nếu bọn trẻ làm sai điều gì, mẹ bị đánh. Nếu mẹ bị bắt gặp học tiếng Anh, mẹ bị đánh.

“Tại sao mày muốn học tiếng Anh?” Ông Chin hỏi. “Mày muốn đi báo cảnh sát? Chúng tao sẽ nói với cảnh sát mày là người đại lục bất hợp pháp trên đất Hong Kong. Họ sẽ tống mày vào tù.”

Sáu năm mẹ đã sống như thế. Rồi một ngày kia, một người phụ nữ đứng tuổi bán cá ở chợ kéo mẹ lại.

“Cô biết những đứa con gái như cháu. Cháu năm nay bao nhiêu tuổi, mười sáu? Một ngày nào đó, gã chủ của cháu sẽ say rượu, ông ta sẽ nhìn chằm chằm vào cháu rồi kéo cháu lại, và cháu sẽ không thể chống cự. Bà vợ sẽ biết được, và cháu sẽ bị dìm xuống địa ngục. Cháu phải thoát khỏi cuộc sống này. Cô biết có người có thể giúp được cháu.”

Bà ta nói cho mẹ biết rằng có những người đàn ông Mỹ muốn tìm vợ châu Á. Nếu mẹ có thể nấu nướng, dọn dẹp và chăm sóc chồng, ông ta sẽ cho mẹ một cuộc sống tốt. Đó là hi vọng duy nhất của mẹ. Và đó là tại sao mẹ có mặt trong cuốn catalog với tất cả những lời dối trá, rồi gặp cha của con. Câu chuyện không quá thơ mộng, nhưng đó là câu chuyện của mẹ.

Ở ngoại thành Connecticut Mỹ, Mẹ cô độc. Ba của con rất tử tế và dịu dàng với mẹ, mẹ thật sự biết ơn ông. Nhưng không ai hiểu mẹ, và mẹ không hiểu bất cứ thứ gì.

Nhưng sau đó con ra đời. Mẹ hạnh phúc phát điên khi nhìn khuôn mặt con, mẹ thấy hình bóng của bà ngoại, ông ngoại, của bản thân mẹ. Mẹ đã mất cả gia đình mình, tất cả của làng Sigulu, mọi thứ mẹ từng biết và yêu. Nhưng ở đây mẹ có con, khuôn mặt con là minh chứng cho những điều đó còn tồn tại.

Bây giờ mẹ đã có người để nói chuyện. Mẹ sẽ dạy cho con ngôn ngữ của mẹ, và mẹ con ta sẽ cùng nhau làm lại một mảnh nhỏ của những thứ mẹ đã yêu và đã mất. Khi con nói từ đầu tiên với mẹ bằng tiếng Trung với ngữ điệu giống như mẹ và bà ngoại, mẹ đã khóc hàng giờ. Khi mẹ làm con thú giấy đầu tiên cho con, con cười, mẹ cảm thấy cuộc sống này chẳng còn gì để lo âu.

Con lớn lên thêm một chút thì sẽ có thể giúp ba con và mẹ nói chuyện với nhau. Mẹ đã cảm thấy thật sự như ở quê nhà lúc này. Mẹ cuối cùng đã tìm ra một cuộc sống tốt. Mẹ ước cha mẹ của mẹ có thể ở đây, để mẹ có thể nấu cho họ ăn, và cũng cho họ cuộc sống tốt như vậy. Nhưng cha mẹ của mẹ đã không còn quanh đây nữa. Con biết điều gì buồn nhất trên cuộc đời này không? Đó là khi người con đã lớn và mong ước được chăm sóc cha mẹ mình, cuối cùng chỉ nhận ra rằng họ đã đi xa rồi.

Con trai ơi, mẹ biết rằng con không thích đôi mắt châu Á của con, chính là mắt của mẹ. Mẹ biết rằng con không thích màu tóc châu Á của con, chính là tóc của mẹ. Nhưng con có thể hiểu niềm vui sướng của mẹ thế nào khi cuộc đời này ban con cho mẹ? Và con có thể hiểu cảm giác của mẹ thế nào khi con ngừng nói chuyện và không cho phép mẹ được nói với con bằng ngôn ngữ của mẹ. Mẹ cảm nhận được rằng mẹ lại một lần nữa mất đi tất cả mọi thứ.

Sao con không nói chuyện với mẹ, con trai ơi? Nỗi đau này làm sao có thể viết lên.”

Người phụ nữ trả lại tờ giấy cho tôi. Tôi không dám nhìn thẳng vào mặt cô ta.

Tôi hỏi người phụ nữ chữ nào là chữ “ái” trong bức thư. Tôi liên tục viết đi viết lại chữ ấy, để từng nét chữ của tôi và mẹ cứ thế quyện vào nhau.

Người phụ nữ vỗ vai tôi. Rồi cô ta đứng dậy rời khỏi, để lại tôi trơ đó một mình với Mẹ tôi.

Theo những nếp gấp, tôi xếp lại tờ giấy thành Laohu. Tôi nâng niu nó trong tay mình. Nó kêu gừ gừ. Chúng tôi cùng nhau cất bước trở về nhà.

Tác giả :Ken Liu, người dịch: Bửu Ý.

2

You might also like